Jose Luis Chilavert: Thủ môn với khả năng sút phạt bậc nhất

Tài đá phạt của Chilavert, thứ khiến ông trở lên khác biệt với tuyệt đại đa số các thủ môn, cũng không phải tự nhiên mà có và ghi danh mình vào lịch sử thế giới.

José Luis Félix Chilavert González là sinh ngày 25/7/ 1965 tại Luque, Departamento Central, Paraguay. Ở tuổi lên 5, cùng với các anh chị em mình đã phải lăn lội với chuyện cơm áo gạo tiền. Chilavert khi lên 7 tuổi mới có nổi một đôi giày lành lặn để chơi bóng. “Vắt sữa bò và đi giao sữa cho càng vùng lân cận ở Luque, là công việc chính của tôi, để giúp đỡ ba mẹ, khi còn là một chú nhóc. Ở một vùng đất nghèo đói, thất nghiệp và đầy tệ nạn như Luque, những đứa trẻ như tôi đơn giản là không có tuổi thơ”.

Chilavert xuất hiện lần đầu tiên năm 17 tuổi ở câu lạc bộ Sportivo Luqueño, một câu lạc bộ hạng 2 hồi đó. Năm 1989 anh có trận đầu tiên chơi cho đội tuyển quốc gia, sau đó anh chuyển sang chơi cho một câu lạc bộ hạng nhất ở Argentina, San Lorenzo. Sau đó anh chuyển sang Tây Ban Nha chơi cho câu lạc bộ Real Zaragoza. Sau đó anh trở lại Argentina chơi cho câu lạc bộ Vélez Sársfield và giúp họ đoạt cúp Vô địch quốc gia 4 lần cùng cúp Copa Libertadores và cúp liên lục đia năm 1994 và năm 1999.

“Chó Điên” là biệt danh của Chilavert và nó đặc tả không chỉ tính cách hay khát khao ghi bàn dị biệt của thủ môn này. Bản thân Chilavert, khi bay lượn trong khung gỗ, khi sắm vai người thủ lĩnh đầy nhiệt huyết, khi đối đầu với những cầu thủ đối phương khiến ông ngứa mắt.

Ông không hề có sự nghiệp quá đáng nể ở cấp CLB nhưng nổi danh với tài năng có 1-0-2 mà hiếm ai so bì được: một thủ môn biết sút phạt.

Ngày 24/3/1996. Vòng 3 giải Clausura Argentina. Sân Jose Amalfitani, sân nhà của Velez Sarfield trong trận tiếp đón River Plate. Tỉ số đang là 1-1 và Velez được hưởng một quả đá phạt trực tiếp ở phía sân nhà, gần vòng tròn giữa sân và dĩ nhiên cách rất xa khung thành đối phương. Trong khi trọng tài chính còn đang nói gì đó với các cầu thủ đôi bên và Enzo Francescoli – tác giả pha vào bóng đem lại quả đá phạt cho đội chủ nhà – đang bận.. xoa đầu “nạn nhân” của anh thì… một cái bóng áo đen bất ngờ lao lên như một cơn lốc.

“Boom”, một pha dứt điểm thẳng ở cự ly 60m đưa bóng vồng lên không trung trước khi rót thẳng vào cầu môn River. Thủ môn đội khách, German Burgos sau thoáng chốc giật mình đã nỗ lực chạy về và bay người cứu bóng nhưng bất thành. Và Bàn thắng cho Velez! Trận đó Velez thắng chung cuộc 3-2 và tiến thẳng tới chức vô địch Clausura 1996. Cho đến thời điểm hiện tại, đấy vẫn là 1 trong những bàn thắng đẹp nhất, đáng nhớ nhất và… kì dị nhất trong lịch sử giải bóng đá Argentina. Không chi bởi đấy là một “siêu phẩm” theo đúng nghĩa của nó mà còn vì pha ghi bàn ở cự ly 60m ấy được thực hiện bởi một thủ môn. Nhưng đó đâu chỉ là bàn thắng đầu tiên Chilavert khi ông có đến 67 bàn thắng ở cấp CLB và đội tuyển Paraguay. Kể lại kí ức này với tờ FourfourTwo, Chilavert hào hứng: “Một vài cầu thủ từng ghi bàn ở khoảng cách rất xa. Và đó thường là những tình huống tình cờ, mang đậm yếu tố may mắn. Nhưng bàn thắng của tôi thì khác.

Ở tình huống đó, tôi quan sát thấy Burgos đứng khá xa so với cầu môn và anh ta có vẻ lơ đãng, bận ngắm nhìn những chú chim trên trời hơn là tập trung vào trận đấu. Thế là tôi quyết định rời khung thành và chạy thật nhanh về phía điểm đá phạt. Các đồng đội có ý giữ tôi lại trong khi ông trọng tài thì đang đứng chắn hướng sút. Tôi hét lên: “Tránh hết cả ra”. Đồng đội giang ra và trọng tài kịp cúi xuống. Thật may là ông ta phản ứng nhanh chứ “ăn trọn” trái bóng đó thì còn gì là người nữa”.

“Thoạt đầu tôi nghĩ cú sút của mình có vẻ không ổn lắm khi bóng đi quá cao nhưng ngay sau đó nó rót xuống, nhằm thẳng vào cầu môn River. Khi Burgos nhận ra vấn đề và cố gắng phản ứng lại, tất cả đã quá muộn. Bóng đã nằm trong lưới của River. Tôi ăn mừng theo kiểu trượt cỏ và các đồng đội của tôi, trong cơn phấn khích, cũng vậy.

“Ngay cả các CĐV River trên khán đài SVĐ cũng vỗ tay tán thưởng. Đấy là một khoảnh khắc đặc biệt, nhất trong quãng thời gian cha tôi đang phải điều trị bệnh tim. Bàn thắng tuyệt vời ấy, tôi dành tặng cho cho cha mình. Chúng tôi thắng trận đó và tôi tặng cho vị trọng tài áo đấu của mình. Đấy là trận đấu cuối cùng ông ấy cầm còi trong sự nghiệp trọng tài chuyên nghiệp. Hơn nữa, ông ấy hoàn toàn xứng đáng vì… phản xạ siêu đỉnh để tránh cú sút của tôi”.

Tài đá phạt của Chilavert, thứ khiến ông trở lên khác biệt với tuyệt đại đa số các thủ môn, cũng không phải tự nhiên mà có. “Bất chấp thiên hạ nói gì, tôi có một niềm tin mạnh mẽ vào năng lực của bản thân, vào sự khác biệt mà mình sở hữu. Ngay từ khi mới bắt đầu vào sự nghiệp cầu thủ tại Luqueno rồi Guarani hay San Lorenzo, tôi luôn dành hơn 1 tiếng – sau mỗi buổi tập cùng với đội bóng – để luyện sút phạt. Tại Zaragoza, mỗi ngày tôi tập sút phạt từ 80-120 quả và mức này luôn được tôi duy trì trong toàn bộ sự nghiệp của mình” – Chilavert kể lại về hành trình trở thành Duy Nhất của mình

Và chỉ 2 lần xuất hiện tại World Cup thôi là đủ để cái tên Chilavert lưu danh đến mãi về sau. Ngày 12/6/1998, Paraguay chơi trận ra mắt với Bulgaria. Khi trận đấu đang ở phút 73, tỷ số vẫn là 0-0, Paraguay được hưởng một quả đá phạt. Khán giả tại Pháp ồ lên khi thấy Chilavert – thủ môn và là đội trưởng của Paraguay, chạy lên và thực hiện cú đá phạt. Thế nhưng điều điên rồ chưa dừng lại tại đó. Cú sút của thủ môn thuận chân trái này có quỹ đạo bay vô cùng khó chịu. Phải rất vất vả, thủ thành bên phía Bulgaria mới đẩy được bóng để giữ sạch lưới, tỷ số 0-0 nhờ vậy duy trì đến hết trận. Đến World Cup 2002, Jose Luis Chilavert lại gây ấn tượng mạnh mẽ. Trận đấu với Slovenia ở lượt cuối vòng bảng, ở phút 79 và tỷ số đang là 2-1 dành cho Paraguay, đội bóng Nam Mỹ được hưởng quả đá phạt trực tiếp. Chilavert lại là người thực hiện cú đá phạt.

Lần này, bóng thậm chí đã đi trúng xà ngang Slovenia. Đến cuối trận, Paraguay giành chiến thắng 3-1 và góp mặt vào vòng 1/8. Trong màu áo ĐT Paraguay, Chilavert bắt 74 trận và cũng ghi 8 bàn. Đây là một trong những kỷ lục về số bàn thắng mà một thủ môn có thể tạo ra. Chỉ tiếc rằng, Chilavert lại chưa có được bàn thắng nào cho riêng mình ở sân chơi World Cup. Nhưng dẫu sao những khoảnh khắc thú vị ấy đã là quá đủ để NHM sau 2 thập kỷ vẫn phải nhắc về người gác đền huyền thoại.

Maradona từng nhận xét thế này về Chilavert: “Nếu có một thủ môn mà chẳng chân sút nào muốn đối mặt, thì đó chỉ có thể là Jose Luis Chilavert. Thiên hạ thích nói nhiều về tài ghi bàn của cậu ấy. Nhưng Jose trước hết là một thiên tài trong khung gỗ”. 6 năm liên tiếp là thủ môn số 1 trong đội hình tiêu biểu bóng đá Nam Mỹ (1994-1999), 3 lần được bầu chọn cho vị trí thủ môn xuất sắc nhất Thế giới của IFFHS, thủ môn trong đội hình tiêu biểu World Cup 1998, Top 100 huyền thoại bóng đá World Soccer là những bằng chứng cho thấy tầm vóc của Chilavert.

Bài viết cùng chuyên mục