Jan Oblak: Messi là của làng thủ môn thế giới

“Cậu ấy là Messi ở vị trí thủ môn” – HLV Diego Simeone đã tuyên bố như vậy khi thủ môn người Slovakia thi đấu quá ấn tượng trước hàng công khủng kiếp của Liverpool.

Sinh ra ở thị trấn Skofja Loka tại Upper Carniolan, Jan Oblak bắt đầu chơi bóng từ năm 5 tuổi cho câu lạc bộ quê nhà Locan FC. Năm lên 10 tuổi, anh chuyển đến học viện trẻ Olimpija, nơi anh ở lại cho đến cuối mùa giải 2004/2005, cũng chính là thời điểm mà câu lạc bộ bị giải thể. Sau đó, Oblak chuyển đến Bezigrad, câu lạc bộ mới được thành lập, sau một loạt thay đổi tên, trở thành Olimpija Ljubljana vào năm 2008.

Trở thành thủ môn, đó là định mệnh của Oblak ngay từ khi còn nhỏ. Cha anh, ông Matjaz Oblak là thủ môn của đội bóng nghiệp dư ở thị trấn Skofja Loka, Slovenia. Jan Oblak đã theo chân cha đến những buổi tập, đứng sau khung thành và mỗi khi ông Matjaz Oblak đổ người bên nào là cậu con trai cũng đổ người theo hướng đó dù chẳng có trái bóng nào lăn đến.

“Mọi người thấy buồn cười vì đứa nhỏ ấy đứng sau khung thành và đổ người bắt chước cha nó mà không cần bóng. Tất cả chỉ vì tôi muốn giống như ông ấy,” Jan Oblak chia sẻ với FourFourTwo. Cũng chính trong 1 lần chơi bóng cùng chị gái khi đi theo cha đến trận đấu, anh đã được tuyển trạch viên của CLB Olimpija Ljubljana để mắt tới.

“Bố chơi bóng đá trong nhà ở Ljubljana vào mùa đông. Năm đó tôi 8, 9 tuổi và trong thời gian giữa hiệp, tôi thường chơi bóng với chị gái,” thủ môn 26 tuổi tiếp tục bộc bạch. “Chị ấy hơn tôi 3 tuổi và chơi bóng rất giỏi, chị ấy thường sút bóng và tôi bắt gôn. Tôi đổ người, cản phá rồi ai đó từ Olimpija Ljubljana chú ý và mời tôi gia nhập. Họ là đội bóng lớn nhất ở Slovenia và với 1 đứa trẻ như tôi, đó là niềm hạnh phúc.”

Nhưng gia đình Oblak sống cách sân tập của Olimpija 30 cây số, khoảng cách địa lý là trở ngại đầu tiên trên hành trình xây dựng ước mơ. Trong những ngày cha mẹ không thể đưa anh tới sân tập, Oblak phải tự mình đạp xe quãng đường tổng cộng 60 km cả đi lẫn về trong khoảng 3 tiếng đồng hồ. Mệt lả khi tới nơi và đến khi về còn đuối hơn nữa. Nhưng anh chấp nhận vất vả như thế để có ngày gặt trái ngọt.

16 tuổi, Jan Oblak ra mắt đội 1 Olimpija. “Cậu bé này còn giỏi hơn cả tôi”, đó là những gì Robert Volk, người gác đền kiêm HLV thủ môn của Olimpija thời điểm ấy, phải thốt lên khi chứng kiến tài năng của chàng thủ môn lúc đó còn chưa hết tuổi vị thành niên. Sau này, có lẽ ông Volk sẽ không cảm thấy phiền bởi lời nhận xét không hề quá chút nào của mình.

Anh có trận ra mắt chuyên nghiệp cho Olimpija Ljubljana trong mùa giải 2009/2010 ở tuổi 16. Vào ngày 14 tháng 6 năm 2010, Oblak đã ký hợp đồng chính thức với câu lạc bộ Benfica tại Bồ Đào Nha. Sau đó, anh gia nhập Olhanense theo dạng cho mượn vào tháng 1 năm 2011 cho đến hết mùa giải năm đó. Vào mùa giải tiếp theo, Oblak tiếp tục bị đưa cho Uniao de Leiria mượn cho tới hết mùa giải. Vào tháng 8 năm 2013, Oblak ký hợp đồng gia hạn đến năm 2018 với Benfica. Anh giành được giải thưởng Thủ môn xuất sắc nhất của giải đấu vào ngày 6 tháng 7 năm 2014 với đội bóng Bồ Đào Nha.

Khi gia nhập Atletico, Oblak mới 21 tuổi, chỉ được khoác áo Benfica 16 lần trong suốt giai đoạn 2010 – 2014. Hồi năm 2013, Oblak khoác áo Benfica B và cũng chỉ được xuất hiện 2 lần dưới màu áo đội dự bị ấy. Bạn có thể tưởng tượng một thủ môn như thế lại có giá chuyển nhượng đến 17,5 triệu euro? Bạn có nghĩ đấy chính là thủ môn đắt giá nhất trong lịch sử La Liga và đứng thứ 8 trong lịch sử bóng đá thế giới?

Quá “điên rồ”, nhưng cái giá chuyển nhượng điên rồ ấy nói lên hai điều. Thứ nhất, HLV Simeone quả đáng khâm phục trong việc nhìn người. Mãi đến ngày 21/3 vừa qua, Oblak mới có dịp xuất hiện lần đầu tiên trong khung thành Atletico ở La Liga. Vậy mà bây giờ, anh đã được cả thế giới biết đến. Simeone hoàn toàn tin tưởng Oblak và anh đáp trả bằng phong độ tuyệt vời trong trận gặp Real Madrid ở trận tứ kết lượt đi Champions League 2014/15.

Điều quan trọng thứ hai: Atletico thật đáng nể, không chỉ trên thị trường chuyển nhượng mà trong lĩnh vực kinh doanh nói chung. Khi cần chi tiền, họ sẵn sàng chi rất “đậm”, nhưng vẫn chẳng bao giờ lỗ. Nếu là trường hợp “ăn chắc mặc bền” thì cũng bình thường. Atletico xuất sắc ở chỗ: họ vừa làm ăn có lãi, lại vừa đảm bảo thành công trên sân cỏ, thế mới thuộc loại “siêu dị”.

Kể từ khi chuyển tới khoác áo đội bóng thành Madrid tới nay, Jan Oblak luôn thể hiện phong độ xuất sắc. 3 mùa giải vừa qua, anh đều là chủ nhân giải thưởng Zamora, danh hiệu cá nhân trao cho thủ môn có tỷ lệ bàn thua thấp nhất tại La Liga trong 1 mùa. Tuy vậy trên Quora, 1 mạng xã hội dành cho việc hỏi và đáp, 1 người dùng từng đặt câu hỏi để thảo luận: “Bạn có nghĩ Jan Oblak đang bị đánh giá thấp hơn khả năng thực sự?”.

Đa số câu trả lời là không và 1 trong những phần trả lời nhận được nhiều sự đồng tình nhất  bày tỏ nếu bạn nghĩ thủ thành người Slovenia bị đánh giá thấp hơn khả năng vì anh ít được nhắc đến như De Gea hay Neuer thì bạn đã nhầm.

Người dùng này tiếp tục phân tích rằng Neuer là thủ môn hoàn hảo nhất trong thời kỳ đỉnh cao còn De Gea là người có khả năng ngăn chặn những cú sút 1 cách siêu việt và sở dĩ anh được ca ngợi nhiều vì hàng phòng ngự Manchester United chưa đủ tốt khiến anh có nhiều cơ hội thể hiện. Còn Oblak, anh thi đấu phía sau 1 các hậu vệ nói riêng và hàng phòng ngự nói chung được xem là chắc chắn nhất thế giới, họ thi đấu lùi sâu và hiếm khi cho đối thủ những cơ hội tấn công, qua đó cơ hội để Oblak thể hiện cũng có phần ít hơn. Thế nhưng, nói thế không có nghĩa người gác đền số 1 của Atletico Madrid không có những pha cản phá xuất chúng.

Trong những tình huống mà các thủ môn thường phải đấm ra xa hoặc đẩy khỏi xà ngang – cột dọc, Oblak vẫn bắt dính. Tức là thay vì liên tục có những pha bay người hết bên này sang bên kia, cản phá những cú sút bồi, Oblak ngăn chặn những hiểm nguy ấy chỉ với một pha bắt bóng. Chọn vị trí tốt là phẩm chất nổi bật của Oblak.

Vị trí tốt, theo định nghĩa của Oblak khi còn bé, là… phía sau khung thành. Ngoài khả năng bắt dính bóng, Oblak còn ít được nhắc đến vì thích sự yên bình. Anh không chơi mạng xã hội, lười trả lời phỏng vấn, ít gầm thét khi thi đấu và không có bất kỳ hành động quá khích nào trên sân. Oblak trông như một viên chức bình thường, làm công việc hàng ngày ở vị trí mà đa số các đồng nghiệp của anh đều tỏ ra hầm hố.

Oblak chỉ sinh động khi quả bóng xâm nhập vòng cấm. Lúc ấy anh nom như một con mèo, tập trung tối đa vào món đồ chơi ưa thích và không để bất kỳ một động tĩnh nào lọt ra khỏi tầm quan sát của mình. Khen Oblak chọn vị trí tốt không có nghĩa là phản xạ của anh tầm thường. Trái lại khi cần phải bay lượn, anh cũng chẳng kém cạnh David de Gea.

Oblak giúp Atletico giành 3 danh hiệu trong đó bao gồm UEFA Europa League 2018 bên cạnh Siêu cúp châu Âu  và Siêu cúp Tây Ban Nha. Ở Tây Ban Nha, đẳng cấp của anh không còn phải bàn cãi. Anh đã giành danh hiệu Zamora – giải thưởng trao cho thủ môn xuất sắc nhất La Liga – trong cả 4 mùa giải vừa qua. Tháng 11/2018, anh trở thành thủ môn đạt cột mốc 100 trận giữ sạch lưới ở giải VĐQG Tây Ban Nha nhanh nhất trong lịch sử (178 trận). Làm một phép so sánh thì Iker Casillas phải mất 306 trận đấu để đạt cột mốc đó.

Ông Alfredo Relano, Chủ tịch danh dự tờ AS, nói: “Tại giải thưởng Quả bóng vàng của France Football, vào năm ngoái nó đã lần đầu tiên có hạng mục dành cho thủ môn. Tôi đã lựa chọn Alisson xếp thứ nhất và Oblak đứng thứ 2.

Họ đề nghị chúng tôi cân nhắc về những danh hiệu cầu thủ đã giành được cũng như màn trình diễn của họ ở những trận đấu lớn. Alisson đã vô địch Champions League cùng Liverpool [và Copa America cùng Brazil]. Năm nay, có lẽ tôi sẽ điền một thứ tự khác.Ví dụ như phong độ của Oblak trong trận đấu ở Liverpool sẽ được ghi nhận khi bạn cân nhắc các điều kiện. Đó là trận đấu rất thử thách và đầy khó khăn với cậu ấy. Cậu ấy phải chịu áp lực lớn nhưng không hề mất bình tĩnh. Cậu ấy thật tuyệt vời, một thủ môn gây phấn khích”.

Vị trí gác đền trong một đội bóng được xây dựng dựa trên khả năng phòng ngự giúp tầm quan trọng của anh ngày càng tăng lên. Sau chiến thắng trên sân Anfield, HLV Simeone khẳng định: “Chúng tôi có thủ môn xuất sắc nhất thế giới, điều này không cần phải bàn cãi nữa. Cũng giống như Barcelona có Messi vậy, cậu ấy giải quyết trận đấu bằng khả năng tấn công của mình thì Oblak định đoạt nó bằng những pha cứu thua”.

Bài viết cùng chuyên mục