Gerd Muller: “Vua dội bom” của mọi thời đại

Nếu nói về hiệu suất săn bàn, chắc chỉ Ronaldo và Messi đủ trình độ sánh tầm với huyền thoại Gerd Muller, người được CĐV Đức gọi với một cái tên nghe đầy kinh hoàng: Vua đội bom.

Gerd Muller sinh ngày 3 tháng 11 năm 1945 tại thành phố Nordlingen ở miền Nam nước Đức, cách thành phố Munich khoảng một giờ rưỡi xe chạy. Giống như mọi đứa trẻ cùng trang lứa, ông chạy theo trái bóng từ khi rất nhỏ và uôn đồng hành cùng nó ở tuổi lên 9.

Muller bắt đầu cân nhắc theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp tới dự tuyển vào trường đào tạo bóng đá của câu lạc bộ tại thành phố quê hương là TSV 1861 Nordlingen vào năm 15, khi quá chán nản việc phải đi làm công nhân ở  xưởng dệt địa phương.

Theo lời của các  nhân viên tuyển trạch TSV 1861 Nordlingen, Muller sở cơ thể vạm vỡ nhưng thấp, đậm, thậm chí còn hơi béo. Với dáng vẻ bề ngoài như thế, Muller không thể là mẫu tiền đạo lý tưởng của thời bóng đá lúc đó. Tuy nhiên, khi gã trai tỉnh lẻ này bắt đầu thử việc, mọi định kiến trên đều bị xóa bỏ.

Cặp đùi to quá khổ và đôi chân ngắn hơn bình thường của Muller hóa ra lại là một lợi thế khi ông xoay trở trong tư thế bị kèm cặp quá tốt, thoăn thoắt đi bóng bắt chấp việc bị các hậu vệ đối phương chăm chăm đốn giò. Muller nhanh chóng thăng tiến ở lò đào tạo của TSV 1861 Nordlingen, được đưa vào đội trẻ rồi sau đó lên đội hình một. Chỉ 3 mùa giải thôi, ông đang gây dựng được tên tuổi của mình ở bóng đá Đức khi sở hữu hiệu suất làm bàn quá ấn tượng: 51 bàn thắng trong 32 trận ra sân. Tên tuổi của ông được gã khổng lồ Bayern biết đến và đánh tiếng chiêu mộ.

Điều đáng nói là lúc này, Hùm Xám lại đang chầy chật ở giải hạng Hai của Đức và không hề sở hữu một cây săn bàn đáng gờm nào. Dù vừa chiêu mộ được cầu thủ có tiếng tăm “đã ghi 180 bàn cho Nordlingen”, HLV Zlatko Cajkovski lại đặt nhiều nghi ngờ về gã “dị nhân” này. Muller phải làm quen với băng ghế dự bị trong 1 thời gian khá lâu trước khi ông Cajkovski nhận ra tiềm năng của chân sút này qua các buổi tập.

Cùng với hai siêu sao tuổi teen khác của Bayern khi đó là Franz Beckenbauer và Sepp Maier, Muller đã đưa Bayern thăng hạng nhất, mở ra trang sử vàng chói lọi của Hùm xám những năm 1960.

Với sự góp sức của Muller, Bayern đã có giai đoạn hoàng kim nhất lịch sử của mình khi giành 4 chức vô địch Bundesliga, 4 lần đăng quang cúp quốc gia, đồng thời 3 lần bước lên bục cao nhất ở đấu trường châu Âu.

Cá nhân Muller đã gây dựng danh tiếng của mình khi là tiền đạo hay nhất thế giới ở thời điểm đó với hiệu suất ghi bàn mà nhiều hậu bối sau này cũng chả thể nào sánh kịp. Từ năm 1964-1979, Muller đã ghi 365 bàn sau 427 trận ra sân ở Bundesliga, trở thành “Vua dội bom” trong lịch sử giải đấu số 1 nước Đức, 7 lần giành ngôi Vua phá lưới.

Trong màu áo ĐTQG Đức, ông còn nổi bật hơn thế với 68 bàn thắng sau 62 trận khoác áo “Cỗ xe tăng” và có phong độ “hủy diệt” khi xé toang mảnh lưới đối phương tới 10 lần tại World Cup 1970.

Trong trận chung kết World Cup 1974, ĐT Đức đụng độ một Hà Lan hay bậc nhất lịch sử của Johan Cruyff. Nhưng Muller đã bóp nát giấc mơ Vua của cơn lốc màu da cam bằng bàn thắng ấn định tỷ số 2-1.

Trận chung kết World Cup 1974 với Hà Lan cũng đồng thời là trận cuối cùng mà Muller chơi cho đội tuyển quốc gia, nhằm chuyên tâm cống hiến cho Bayern Munich. Với 14 bàn thắng qua hai kì World Cup, Muller đồng thời đoạt ngôi vị “Vua dội bom” trong lịch sử cúp bóng đá thế giới, trước khi Ronaldo phá vỡ kỷ lục này năm 2006 (nhưng “người ngoài hành tinh phải mất tới 4 kì World Cup để viết nên kỷ lục mới).

Ông chia tay Bayern sau đó và đến Mỹ dưỡng già, mở ra một trong các kỉ nguyên mà các siêu sao Châu Âu đến giải MLS. Chơi ba mùa bóng cho Fort Lauderdale Strikers, Muller ghi được 40 bàn thắng trong 80 trận thi đấu cho đội bóng này, kết quả hết sức ấn tượng đối với một tiền đạo đã chạm ngưỡng 36 tuổi.

Dù danh tiếng là vậy, cuộc sống ngoài sân cỏ của Muller lại là một tấn bi kịch khi gắn liền với rượu. Rượu đã từng phá hỏng cuộc đời và sự nghiệp của không ít cầu thủ kiệt xuất trong bóng đá thế giới như Garrincha, George Best và với Gerd Muller cũng không phải là ngoại lệ. Ông bị con gái từ mặt, phải li dị và những cuộc làm ăn thất bại đã bòn rút những đồng cuối cùng của huyền thoại này.

Trong bờ vực của sự tuyệt vọng, những đồng đội cũ đã không hề bỏ rơi Muller và giang tay cứu giúp chân sút cự phách này làm lại cuộc đời. “Hoàng đế” Franz Beckenbauer đã kêu gọi: “Bóng đá Đức sẽ không thể có được chức vô địch châu Âu năm 1972 cũng như vô địch thế giới năm 1974 nếu không có Muller. Chúng ta không thể để cho một người bạn như Muller phải chịu cảnh bi đát như vậy”.

Một chiến dịch do những người bạn cũ của Muller ở CLB Bayern Munich và ĐT Đức được lập nên, đứng đầu là Uli Hoeness, khi đó đã là một thành viên trong ban lãnh đạo của Hùm Xám.

Họ quyên góp tiền để Muller điều trị tại một trung tâm cai nghiện rượu, trước khi đưa Muller về làm công tác huấn luyện ở Bayern. Giờ đây, Muller đang chịu trách nhiệm đào tào đội hình trẻ Hùm xám, một công việc giúp ông có thể truyền tải kinh nghiệm “dội bom” cho lớp hậu bối.

Và chính nhờ ánh mắt sát thủ một thời này, Bayern Munich đã đào tạo ra được Thomas Muller, một tiền đạo xuất chúng sở hữu hiệu suất ghi bàn không hề kém cạnh “Vua dội bom” trong màu áo ĐT Đức.

Bài viết cùng chuyên mục