Kazu Miura: “Ông già gân” của bóng đá Nhật Bản

Vòng 2 Cúp Quốc gia Nhật Bản diễn ra vốn không phải tin tức gì quá đặc biệt. Tuy nhiên khi Yokohama FC đối đầu Sagan Tosu vào tháng trước, nó trở thành tiêu điểm chú ý khắp nơi trên thế giới.

Lý do của việc này là Kazuyoshi Miura (hay Kazu Miura) – đội trưởng của Yokohama ngày hôm đó – đã 53 tuổi. Sự nghiệp kéo dài của Miura khiến người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới phấn khích và tò mò. Hợp đồng của ông với Yokohama FC cũng đã được gia hạn. Lúc này ông đang giữ kỷ lục Guinness là “cầu thủ cao tuổi nhất thế giới ra sân thi đấu” và “cầu thủ cao tuổi nhất thế giới ghi bàn”.

Ngay cả trong trò chơi FIFA 20 cũng có sự xuất hiện của ông – sau lần đầu xuất hiện vào 24 năm trước – và điều đó cũng gây chú ý. Vậy cầu thủ có biệt danh “King Kazu” là ai và tại sao ông lại có thể thi đấu dài đến như vậy? Có bí quyết nào đằng sau sự nghiệp kéo dài hơn ít nhất 15 năm so với trung bình?

Như tiền đạo người Nhật Bản chia sẻ với BBC, câu chuyện của ông với bóng đá bắt đầu từ kỳ World Cup 1970 với Pele và chiếc máy quay phim 8mm.

Miura lớn lên trong một gia đình yêu bóng đá tại Shizuoka. Anh trai ông – Yasutoshi Miura – cũng là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và cha của họ là cổ động viên cuồng nhiệt.

“Bố tôi đã ở Mexico vào năm 1970 để xem World Cup. Ông quay lại các trận đấu bằng máy quay sử dụng ống kính 8mm. Thời điểm đó, Pele đang thi đấu và tôi lớn lên cùng với việc theo dõi các video do bố ghi lại”.

Vào năm 1970, Kazu Miura mới 3 tuổi tuy nhiên những đoạn video tự quay của cha có tác động rất lớn. Ông chia sẻ: “Tôi trở thành một người hâm mộ bóng đá Brazil. Từ khi còn bé, tôi đã muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp”.

Cha của Kazu Miura đã sử dụng mối quan hệ để liên hệ với các đội bóng Brazil. Và cậu bé 15 tuổi khi đó đã rời trường trung học ở Shizuoka để một mình khăn gói tới Nam Mỹ. “Thời điểm ấy J-League chưa xuất hiện. Vì thế không có cách nào để bạn trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở Nhật Bản được hết”.

Miura gia nhập Juventus – một đội bóng chuyên nghiệp ở Sao Paulo – tuy nhiên khởi đầu không hề dễ dàng chút nào. Ông phải sống trong ký túc xá cùng các cầu thủ trẻ khác trong lứa tuổi 15 đến 20 và không nói được quá nhiều tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ chính tại Brazil).

“Tôi không hiểu ngôn ngữ ở đây và các tập tục cũng rất khác. Bởi vậy tự nhiên tôi cảm thấy cô đơn. 3 tháng đầu tiên thực sự rất khó khăn”, lão tướng 53 tuổi nhớ lại.

Dù vậy Miura vẫn quyết tâm thay đổi. Ông lao vào tập luyện, học tiếng Bồ Đào Nha, kết bạn với mọi người. Ông khát khao thành công ở Brazil vì quả thực là lúc đó không có kế hoạch B. Khi được hỏi liệu có một con đường nào khác hay không nếu hành trình với bóng đá không thành công, ông tạm dừng chia sẻ lại một chút.

“Tôi không có bất cứ ý tưởng nào cả. Tất cả những gì tôi muốn là làm một cầu thủ bóng đá. Bởi vậy đây là câu hỏi khó nhất để trả lời”, Miura khẳng định.

Năm 1986 – 3 năm sau khi chuyển tới Brazil – ông gia nhập Santos. Đây là đội bóng mà Pele – ngôi sao truyền cảm hứng cho Miura từ những thước phim 8mm – đã chơi trong hầu hết quãng thời gian sự nghiệp. Miura sống ở Brazil, thi đấu cho một vài CLB trong khoảng hơn 4 năm nữa.

Năm 1990, ông trở về Nhật Bản với vị thế một siêu sao đích thực. Năm 1993, mùa giải J-League đầu tiên khởi tranh và Miura vượt qua các cầu thủ khác trong đó có danh thủ Gary Lineker để giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất.

Năm 1994, ông chuyển tới Genoa theo dạng cho mượn và trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên chơi bóng tại Serie A. Dù vậy ngay sau trận đấu đầu tiên ông đã phải lên bàn phẫu thuật sau pha va chạm với huyền thoại Franco Baresi. Cầu thủ tới từ Shizuoka chỉ ghi được một bàn thắng trong suốt quãng thời gian ở Italy và rời đi chỉ sau một mùa giải.

Tuy nhiên khoảng thời gian chơi bóng ở đất nước hình chiếc ủng dù ngắn nhưng thực sự càng làm tăng thêm vị thế của Miura ở quê hương. Nhà báo Sean Carroll – một cây bút viết về bóng đá đang sống ở Nhật Bản – chia sẻ: “Tầm quan trọng của ông ấy không hề bị nói quá.

Về bản chất, ông ấy gắn liền với sự ra đời và phát triển của bóng đá chuyên nghiệp tại Nhật Bản. Ông ấy giống như một vị chúa, theo một góc nhìn nào đó tôi nghĩ tương tự với Maradona ở Argentina. Cả một thế hệ cầu thủ chuyên nghiệp, thậm chí đến nay là hai thế hệ, coi ông là hình mẫu của họ từ khi còn nhỏ”.

Nhưng tại sao Kazu Miura vẫn đang thi đấu?

Năm 2005, ở tuổi 38, ông ký hợp đồng gia nhập đội bóng mà ông vẫn đang khoác áo thời điểm hiện tại – Yokohama FC – ở giải hạng hai Nhật Bản. Ông trở thành cầu thủ chủ chốt, ra sân 39 trận và giúp đội bóng thăng lên hạng nhất năm 2006. Dù Yokohama phải xuống hạng chỉ sau một mùa giải nhưng Miura vẫn thường xuyên đá chính cho CLB ở giải hạng hai ở độ tuổi 40. Năm 2016, ông đá 20 trận cho Yokohama, có hai pha lập công và đã 49 tuổi.

Có thể nói Miura rất ít khi chấn thương và nổi tiếng là một người có chế độ tập luyện nghiêm ngặt. Trong cuộc phỏng vấn với BBC sau một buổi tập, ông chia sẻ với phóng viên trong khi đang chườm một túi đá ở chân và khoác một chiếc áo choàng.

“Chắc chắn tôi mất nhiều thời gian hồi phục hơn các cầu thủ trẻ. Nhưng dù nó có rất khó đi chăng nữa thì niềm đam mê chơi bóng vẫn thôi thúc tôi tiếp tục cố gắng”, danh thủ người Nhật Bản bày tỏ.

Và bên cạnh thể lực, một lý do khác có thể coi góp phần dẫn tới sự nghiệp siêu dài của Miura chính là sự nổi tiếng của ông.

Năm 1998, ngay trước thềm kỳ World Cup đầu tiên của Nhật Bản, Miura bị loại khỏi đội tuyển. Điều này giống như một cú đấm vào vị thế siêu sao của ông. Tuy nhiên điều quan trọng là ông đơn giản được biết tới là một người tốt.

Alan Gibson – biên tập viên tạp chí J Soccer – lần đầu gặp Miura vào năm 1993 và đã nhiều lần làm trọng tài cho ông trong các trận giao hữu vào đầu những năm 2000. “Ông ấy là một quý ông trên sân cỏ, tôi thực sự thích làm trọng tài cho ông ấy.

Tất cả mọi người đều yêu quý ông ấy. Dù là ‘Nhà Vua’ nhưng ông ấy lại không được dự World Cup. Và ông ấy đã thi đấu quá lâu cho Yokohama, gần đây ông ấy không giành được chức vô địch nào cùng đội bóng mà ai cũng ghét”, Gibson cho biết.

Sự nổi tiếng của Miura khiến nhiều người theo dõi các trận đấu của Yokohama và kéo thêm nhiều nhà tài trợ. Như Gibson tiết lộ “Nếu mọi người biết ông ấy thi đấu, sẽ có thêm 3000 đến 4000 người tới sân”.

Và điều đó gắn với lý do cuối cùng cho sự nghiệp dài hơi của Miura: sự kính trọng – hoặc tình yêu – tồn tại xuyên suốt trong xã hội Nhật Bản. Một vị HLV chia sẻ với BBC rằng “King Kazu” đã trở thành một “gấu trúc” ở Yokohama bởi sự tò và yêu mến hơn là vì thành tích thi đấu. Dù mùa giải này đã có hai lần ra sân ở  J. League Cup nhưng ông chưa đá trận nào tại J1 League và chỉ đá ba trận ở mùa giải năm ngoái.

Nhà báo Sean Carroll nói kinh nghiệm của Kazu Miura đóng vai trò rất quan trọng trong phòng thay đồ Yokohama. Ngoài ra, anh đồng tình rằng sự nghiệp rất dài của ông cũng phản ánh về xã hội Nhật Bản.

“Hệ thống thứ bậc thực sự quan trọng ở Nhật Bản. Nhưng khi bạn đóng góp nhiều như Kazu, bạn sẽ có một hợp đồng miễn là bạn muốn. Quan điểm ông ấy ‘làm việc chăm chỉ’ và ‘đóng vai trò nguồn cảm hứng’ được người hâm mộ và truyền thông nhắc đi nhắc lại, làm nên một câu chuyện cổ tích rằng ‘điều gì cũng có thể xảy ra’. Điều này một lần nữa phản ánh văn hóa Nhật Bản nói chung”, Carroll bày tỏ.

Nhưng suy cho cùng, chừng đó không thể nào lý giải hết cho sự nghiệp trường kỳ của “King Kazu”. Sau tất cả, không phải các cổ động viên hay nhà tài trợ giúp ông vượt qua rào cản thể chất ở tuổi 53 ngày này qua ngày khác.

Miura thường được hỏi về “bí quyết” làm nên sự nghiệp. Ông khẳng định rằng chẳng có bí quyết nào hết ngoài sự chăm chỉ và tận tụy. Nhưng có lẽ bí quyết đến từ câu trả lời cho câu hỏi cuối cùng mà BBC dành cho ông.

Liệu Kazu 53 tuổi, tập luyện hàng ngày ở Yokohama, có thích đá bóng nhiều như cậu bé 15 tuổi năm xưa từng một mình bay tới Brazil với vốn tiếng Bồ Đào Nha hạn chế nhưng lại tràn đầy ước mơ?

“Có, tôi vẫn thích chơi bóng trong mọi thời điểm. Thực sự, tôi còn đang thích hơn cả khi tôi ở Brazil nữa kia”, danh thủ người Nhật Bản trả lời.

Bài viết cùng chuyên mục