Lev Yashin: Chú ‘Nhện đen’ vĩ đại

Lev Yashin là thủ thành vĩ đại nhất của bóng đá thế giới thế kỷ 20. Ông được coi là người tiên phong trong việc thay đổi phong cách thi đấu của người gác đền. Người Nga  không có nhiều thứ để tự hào về nền bóng đá của họ, ngoài ông, thủ môn đầu tiên và duy nhất đến nay từng đoạt Quả bóng Vàng châu Âu.

Yashin sinh tại Moskva trong một gia đình công nhân, ông cống hiến toàn bộ sự nghiệp cho CLB bóng đá Dynamo Moscow từ 1949 đến 1971, giành 5 chức vô địch và 3 cúp quốc gia liên bang Xô Viết. Ông cũng giành được một chức vô địch hockey trên băng Liên Bang Xô Viết năm 1953.

Trận đấu đầu tiên của Lev Yashin trong màu áo Dynamo Moscow diễn ra khi ông 21 tuổi. Đó có thể coi là một màn ra mắt tệ hại mà ông không bao giờ muốn thấy. Lev Yashin đã để lọt lưới trong một tình huống mà thủ môn đội bạn phát bóng lên và không chạm bất cứ cầu thủ nào. Điều này khiến ông chỉ được chơi đúng 2 trận trong mùa giải năm đó và không xuất hiện trong đội hình chính trong vòng 3 năm sau.

Nản chí vì bị đày trên băng ghế dự bị sau đó, Yashin quay lại với môn khúc côn cầu và đạt thành công rực rỡ khi giành chức cúp vô địch Liên Xô 1953 và nằm trong danh sách dự tuyển của đội tuyển quốc gia. Nhưng đó cũng là lúc niềm đam mê với trái bóng lên tiếng. Yashin từ chối đội tuyển khúc côn cầu, quay lại sân bóng tập luyện như điên, quyết tâm tìm suất ra sân.

Đến năm 1954, sau 4 năm chơi bóng cho Dynamo Moscow, Lev Yashin được triệu tập vào ĐTQG và ở đây, huyền thoại về ông bắt đầu được xây dựng nên.

Thường xuyên ra sân với bộ trang phục đen từ đầu đến chân (thi thoảng còn đội thêm chiếc mũ cat-ket), Yashin giống như một “fashion icon trên sân bóng”, chính điều đó khiến công chúng đặt cho ông vô số biệt danh, nào là Black Panther (Báo Đen), Black Spider (Nhện Đen) hay thậm chí là Black Octopus (Bạch tuộc Đen).

Cùng với ĐTQG, Lev Yashin đăng quang ở kỳ Olympics mùa Hè năm 1956. Sau đó 4 năm, ông cùng các đồng đội tham dự Euro Dù thiếu vắng các tên tuổi lớn như Anh, Ý và Tây Đức nhưng nhìn chung phản ánh chính xác thực lực của bóng cựu lục địa thời kì đó. Liên Xô của Lev Yashin đi một mạch đến trận chung kết gặp đối thủ đến từ vùng Balkan là Nam Tư. Trận chung kết là một trong những đỉnh cao đáng nhớ nhất của Yashin khi ông ngăn chặn vô số cú dứt điểm của đối thủ. Dù vậy Nam Tư vẫn ghi được một bàn thắng từ cú sút bị đổi hướng của Galíc. Metreveli gỡ hoà ở đầu hiệp hai và trận giằng co cho đến hiệp phụ. Phút 113, Ponedelnik ghi bàn thắng quyết định mang về chức vô địch Euro lần đầu tiên về Liên Xô.

Chủ tịch Real Madrid Santiago Bernabeu là một người hâm mộ của Lev Yashin và đã đưa sẵn một tấm chi phiếu để trống mức lương để chiêu dụ thủ môn này về Tây Ban Nha. Dù Yashin cố tình ghi nhiều số 0 để khiến vị chủ tịch kia nản chí, ông Bernabeu vẫn chỉ mỉm cười đáp lại: “Dù phải bán hết kim cương để có cầu thủ như Yashin thì tôi cũng chấp nhận”.

Lev Yashin cũng vinh dự được góp mặt trong 3 kỳ World Cup liên tiếp từ 1958 đến 1966. Trong đó, ngày hội bóng đá năm 1958 tổ chức ở Thụy Điển chính là nơi để Yashin ghi tên vào danh sách những ngôi sao sáng nhất của làng túc cầu thế giới. Chỉ hai năm sau, vị thế của ông hoàn toàn thay đổi. Người Liên Xô đổ lỗi cho ông về thất bại ở World Cup 1962, trong đó có một bàn thua đến từ quả phạt góc, điều chưa từng xảy ra ở World Cup. Tờ L’Equipé của Pháp còn tuyên bố dõng dạc rằng “con quái vật Lev Yashin đã không còn được như chúng ta từng biết!” Tuy nhiên đó cũng là lúc phẩm chất của Yashin được phát tiết rực rỡ nhất. Ông giúp Dynamo Moscow vô địch Liên Xô năm 1963, đoạt quả bóng vàng châu Âu khi vượt qua hai huyền thoại Gianni Rivera và Jimmy Greaves – chiến công đầu tiên và duy nhất của một người gác đền ở giải thưởng Quả bóng vàng.

Phong độ cực kỳ xuất sắc của ông đã giúp ĐT Liên Xô có một năm đại thành công khi kết thúc kỳ World Cup 1966 ở vị thí thứ tư. Sau khi từ giã sự nghiệp trước khung thành vào năm 1967, Lev Yashin vẫn tiếp tục góp công cho ĐTQG Liên Xô ở kỳ World Cup năm 1970, khi ông được chọn làm trợ lý HLV và cùng với các cầu thủ lọt vào trận tứ kết.

Nếu vua bóng đá sở hữu hơn 1000 bàn thắng trong sự nghiệp thì Yashin cũng ghi dấu bằng 150 pha cứu thua penalty trong suốt sự nghiệp, điều mà đến hiện tại vẫn chưa có thủ môn nào lặp lại được.

Để có được sự nghiệp lẫy lừng như vậy, tài năng trong khung gỗ của Yashin chắc chắn phải đến mức quái kiệt. Nhưng để tạo nên được cả một cuộc cách mạng, thì mới thấy thủ môn với biệt danh “Nhện đen” này vĩ đại đến như thế nào.

“Lev Yashin là mẫu thủ môn đi trước thời đại từ 10 đến 15 năm” – Thủ thành huyền thoại người Anh Gordon Banks phải thốt lên như thế. Quả thật, Yashin đã làm thay đổi hẳn tư duy về cách chơi bóng của một thủ môn.

NHM đã quá quen với việc thủ môn lao ra khỏi khung gỗ, chuyền bóng bằng chân hay ném bóng thật nhanh lên giữa sân để phản công. World Cup 2014, Manuel Neuer thậm chí còn khai sinh ra khái niệm “thủ môn quét” (sweeper-keeper). Nhưng trước Yashin, gần như chưa một thủ môn nào dám nghĩ đến việc ấy. Họ rất thụ động trong cản phá, thường đợi đối thủ dứt điểm, rồi mới phản xạ.

Phong cách bắt bóng dũng mãnh đậm chất điền kinh thể hiện ở vô số pha lăn xả vào chân đối phương để bắt bóng ngay trong tầm kiểm soát của tiền đạo đối phương. Thời đó, người ta ít khi trao băng đội trưởng cho thủ môn, nhưng Yashin là một trong những người gác đền đầu tiên trong lịch sử có vinh dự này.

Yashin thì luôn cố gắng nắm thế chủ động. Ông lao ra thật nhanh để làm hẹp góc sút, thậm chí rời khỏi khung thành để dùng chân. Thấy không thể bắt dính bóng, ông dùng sải tay dài để đấm quả bóng đi thật xa khu vực tranh chấp. Khi đã nhặt trái bóng lên, ông lập tức nhìn lên và ném bóng phản công. Nhà thơ Yevgeny Yevtushenko viết về Yashin như sau: “Một cuộc cách mạng nổ ra. Thủ môn cũng biết rời xa khung thành”

Tâm lí là điều quan trọng làm nên thành công trên chấm phạt đền. Chiến tích phi thường của Yashin là điều khiến cho các chân sút đều phải run rẩy khi đối mặt với ông. Tiết lộ về bí quyết để giữ sự trầm tĩnh và can đảm đến vậy, Yashin nói rằng “rượu giúp thư giãn cơ thể và thuốc lá giúp tôi bớt căng thẳng”. Ông từng đề cập rằng có thời điểm một ngày ông hút tới bốn gói thuốc, kể cả lúc đi du đấu.

Yashin rất hay lớn tiếng truyền động lực cho các đồng đội ở hàng thủ của mình. Khác với ông, họ không có rượu và thuốc lá trước mỗi trận đấu để trở nên cân bằng, sự thiếu tập trung có thể dẫn đến bàn thua và đó là lí do Yashin luôn tỏ ra mạnh mẽ trước họ.

Năm 1994, ban lãnh đạo FIFA đã chọn ông vào danh sách đội hình tiêu biểu của thế kỷ 20, đồng nghĩa với việc phong tặng ông danh hiệu “thủ môn xuất sắc nhất thế kỷ 20”. Tờ tạp chí bóng đá thế giới (World Soccer Magazine) bầu ông vào danh sách 100 cầu thủ vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Thời của Yashin, ông giành được sự tôn trọng dù khi đó người ta không đề cao vị trí thủ môn. Ngày nay, thủ môn được thừa nhận là “một nửa đội bóng”. Nhưng sẽ cực khó để một thủ môn nào đó có thể vươn tới vị thế như Yashin đã từng. Không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay Yashin vẫn là thủ môn đầu tiên và duy nhất giành Quả bóng vàng châu Âu (vào năm 1963). Xuất chúng như Neuer cũng chưa giành được danh hiệu này.

Bài viết cùng chuyên mục