Michael Owen: Thần đồng bị ghẻ lạnh của bóng đá Anh

Michael Owen là người Anh cuối cùng đạt đẳng cấp giành Quả Bóng Vàng nhưng mãi vẫn bị coi là một thần đồng bị ghẻ lạnh của xứ sở này.

Michael Owen sinh ngày 14/12/1979 tại Chester, thành phố gần biên giới xứ Wales, Vương quốc Anh, là người con thứ tư của bà Jeanette và ông Terry Owen. Bố của Owen đã sớm phát hiện ra sự hứa hẹn của con trai mình về nghiệp quần đùi áo số khi anh vừa lên bảy. Là một fan của Everton, Owen quyết định đến Hawarden để học tiểu học.

Năm lên 8 tuổi, Michael Owen được chọn vào đội U-11 của trường Tiểu học Deeside Area và tại đây anh khiến cho những tuyển trạch viên trên khắp nước Anh phải trầm trồ kinh ngạc bởi tài năng của một thần đồng. Năm 9 tuổi, Michael Owen được trao chiếc băng đội trưởng và đúng một năm sau đó anh đã khiến cho kỷ lục 20 năm của Ian Rush đi vào dĩ vãng. Owen ghi đến 97 bàn thắng chỉ trong một mùa giải duy nhất, vượt quá con số cũ của Ian Rush đến 25 bàn thắng. Owen tiếp tục ra mắt đội trẻ Mold Alexandra, ghi đến 34 bàn thắng trong 24 lần ra sân ở mùa giải đầu tiên.

Năm 16 tuổi, Michael Owen gia nhập đội trẻ của Liverpool và chơi bên cạnh những người đồng đội hầu hết đã bước sang 18. Anh góp công lớn giúp đội trẻ giành được chiếc cúp vô địch FA và bản thân trở thành một ngôi sao mai của làng túc cầu Anh quốc. Năm 17 tuổi, Owen ký hợp đồng chuyên nghiệp với Liverpool vào đúng dịp sinh nhật. Huấn luyện viên Ted Powell khẳng định rằng Owen là tài năng xuất sắc nhất so với lứa cùng thời bên cạnh Paul Scholes, David Beckham hay Robbie Fowler.

Ngày 6 tháng 5 năm 1997, Michael Owen ghi bàn thắng đầu tiên của mình cho câu lạc bộ vào lưới của Wimbledon. Sau một đường chuyền hoàn hảo đến từ  Stig Inge Bjørnebye, cậu nhóc 17 tuổi đã chớp thời cơ cực nhanh, và có cho mình bàn thắng đầu tiên ngay ở trận đấu đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu bóng đá chuyên nghiệp, chính thức trở thành cầu thủ trẻ tuổi nhất từng ghi bàn tại Premier League (tính tại thời điểm đó).

Không bao lâu sau màn ra mắt đầy ấn tượng kia. Michael Owen đã làm cho người ta hết đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tháng 2 năm 1998, chỉ trong vòng 1 tuần, anh đã đạt được những cột mốc mà không ai có thể tin rằng một thằng nhóc 17 tuổi có thể làm được: Một cú đúp vào lưới Southampton,  ra mắt cho đội tuyển Anh trong trận giao hữu với Chile và cuối cùng là lập được cú hattrick đầu tiên trong sự nghiệp trong trận đấu với Sheffield.

Anh đạt được sự thăng tiến vượt bậc khi có cơ hội thay thế vị trí của chân sút chủ lực Robbie Fowler; Owen liên tiếp giành được danh hiệu “Chiếc giày vàng Premier League” và giải thưởng “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm”. Bên cạnh đó, “Thần đồng” nước Anh còn lọt top 3 tranh cử “Cầu thủ xuất sắc nhất năm” cùng Dennis Bergkamp và Tony Adams. Thế giới của Michael Owen đã hoàn toàn thay đổi. Từ một thằng nhóc vắt mũi chưa sạch, giờ đây anh đã bước vào thế giới của những siêu sao. Khắp nước Anh và nhiều nơi trên thế giới, đâu đâu người ta cũng nhắc đến cái tên “Michael Owen”, tất cả mọi người đều muốn gặp anh, tất cả mọi người đều muốn nói chuyện với anh, cánh báo chí theo đuôi anh như hình với bóng, giới truyền thông chĩa tất cả camera vào anh, anh thậm chí còn không có không gian để thở. Theo tiền đạo người Anh kể lại, lúc đó anh chỉ nghĩ rằng: “không ngờ nổi tiếng lại phiền phức thế này.”

Owen là 1 dạng tiền đạo khá đặc biệt và hiếm khi xuất hiện trong lịch sử bóng đá thế giới. Anh không phải dạng tiền đạo quá tinh ranh với chiếc mũi thính và cực nhạy bàn thắng như Inzaghi, Paolo Rossi, những kẻ luôn sống giữa lằn ranh mong manh giữa việt vị và không. Nhưng Owen cũng không thuộc dạng có thể hình to cao, vạm vỡ, có khả năng càn lướt như Ibra hay Ronaldo béo. Anh nằm đâu đó giữa hai thế giới ấy và có những khả năng thiên phú để bù trừ cho những khiếm khuyết của hai dạng trên. Để bù cho sự tinh quái, chọn vị trí, Owen có kỹ thuật tốt để có thể tự mình tạo cơ hội cho bản thân hơn là trông chờ hoàn toàn từ sự hỗ trợ/kiến tạo từ đồng đội. Đây là điều mà những cầu thủ như Inzaghi không có. Để bù cho thể hình, Owen có một gia tốc khủng khiếp đến dáng sợ. Đó không chỉ đơn thuần là tốc độ chạy, tốc độ đi bóng, mà là khả năng đạt tốc độ cao trong thời gian cực ngắn khi xuất phát. Chính yếu tố này thường giúp anh bứt lên trước các hậu vệ/cầu thủ đối phương đôi khi chỉ cần nửa thân người để đặt mình vào vị trí dứt điểm thuận lơi.

Trong 3 mùa giải đầu tiên chơi cho Liverpool, Owen đã ghi đến 52 bàn thắng – một con số vô cùng ấn tượng so với cầu thủ trẻ.

Mùa giải 2000/01, Michael Owen trở lại mạnh mẽ sau quãng thời gian bị chấn thương và đưa Liverpool thoát khỏi cơn hạn 6 năm không danh hiệu bằng cú ăn ba với League Cup, FA Cup và UEFA Cup. Michael Owen cũng đồng thời là cầu thủ người Anh thứ hai nhận được danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu” kể từ khi Kevin Keegan được trao tặng vào năm 1979. Ngày 29 tháng 12 năm 2001, Owen ghi bàn thắng thứ 100 cho “Lữ đoàn Đỏ” trong trận gặp West Ham United. Ban lãnh đạo chủ sân Anfield quyết định gia hạn hợp đồng với chân sút chủ lực của đội bóng đi kèm với mức lương lên đến 70,000 bảng Anh một tuần – đưa Owen vào danh sách những cầu thủ kiếm tiền giỏi nhất thời điểm đó.

Ở tận Tây Ban Nha xa xôi, Florentino Pérez tuyên bố ông muốn được nhìn thấy Ronaldo De Lima và Michael Owen kết hợp với nhau trở thành cặp tiền đạo đáng sợ nhất thế giới, tạo nên một Galacticos hùng mạnh nhất lịch sử. Nhưng Owen khẳng định, anh hạnh phúc tại Liverpool và muốn chinh phục thêm nhiều danh hiệu nữa cùng đội bóng. Tuy vậy, sau khi Houllier bị sa thải, mọi thứ bỗng thay đổi 360 độ. Cuối cùng, vào tháng 8 năm 2004, tiền đạo người Anh chính thức ký hợp đồng với Los Blancos, Liverpool nhận được số tiền khiêm tốn 8 triệu bảng kèm theo Antonio Nunez trong thương vụ này.

Được sát cánh với những  Zidane, Roberto Carlos, Figo, Ronaldo, David Beckham và cùng họ chinh phục thế giới bóng đá là một viễn cảnh quá hấp dẫn không thể cưỡng lại với bất cứ cầu thủ nào. Tiếc rằng, quãng thời gian của Owen ở Tây Ban Nha chỉ là hai chữ “thất vọng”. Anh ghi được 18 bàn với hiệu suất được cho là cao nhất trong sự nghiệp (vì Owen thường chỉ vào sân từ băng ghê dự bị), nhưng BLĐ Real Madrid không hài lòng với hiệu suất này, họ đòi hỏi ở anh nhiều hơn nữa. Cho đến khi áp lực và sự cạnh tranh khốc liệt hơn diễn ra vào mùa bóng năm sau (2005-2006), khi Real mua về thêm Robinho, Julio Baptista, Cassano cho vị trí tiền đạo. Thêm Raul và Ronaldo đang trong thời kỳ đỉnh cao phong độ khiến sự trở về Premier League của Owen dường như là bắt buộc và là duy nhất.

Mùa hè năm 2005, Newcastle United sẵn sàng chi ra số tiền 17 triệu bảng Anh, san bằng kỷ lục chuyển nhượng của Alan Shearer trước đó để mang Michael Owen về với St. James’Park. Nhưng chuyến hành trình của anh trong màu áo đen-trắng gần như chỉ gắn liền với những chấn thương. Từ một tài năng sáng giá nhất Anh Quốc với tương lai đầy rộng mở và được hứa hẹn sẽ tiến xa hơn nữa ở tuổi 27, thế nhưng sau những quyết định có phần vội vã và những chấn thương dồn dập, Michael Owen đã mất đi tất cả. Tài năng của anh vẫn còn đó, nhưng những căng thẳng về mặt thể chất đã bào mòn đi một cách rõ rệt sự tự tin của anh.

Dù gia nhập MU sau đó và thậm chí giành được chức vô địch danh giá nhất sự nghiệp, Owen chỉ còn là cái bóng của quá khứ và không thể tìm lại được chính mình trong phần còn lại của sự nghiệp. Kết cục cuối cùng, không thể vượt qua tất cả những khó khăn đang phải gánh chịu, Owen đã chọn cách bỏ cuộc để giải thoát chính mình. Anh quyết định giải nghệ ở tuổi 33, quá sớm so với những người đồng trang lứa.

Đối với người ngoài, Michael Owen có thể không xứng đáng cho tên gọi huyền thoại, nhưng với chính người Anh, Owen là một phần gắn kết với thế hệ vàng những năm 90 của bóng đá nước này. Michael Owen chơi cho “Tam Sư” 89 trận, ghi 40 bàn, được ghi tên vào danh sách những cầu thủ ghi bàn nhiều nhất mọi thời đại bên cạnh Wayne Rooney, Bobby Charlton, Gary Lineker và Jimmy Graves. Cũng như những người đồng đội như Steven Gerrard, David Beckham hay Frank Lampard, Owen không giành được danh hiệu quốc tế nào trong kỷ nguyên mới.

Bài viết cùng chuyên mục